Thời vụ trồng khoai lang ở miền Bắc cho năng suất cao

Khoai lang là thực phẩm quen thuộc được nhiều người ưa thích bởi giá trị dinh dưỡng của chúng rất cao mà giá thành lại vô cùng rẻ. Nếu bạn đang có ý định trồng khoai lang mà chưa biết Thời vụ trồng khoai lang ở miền Bắc cũng như kỹ thuật trồng và chăm sóc cây để đạt hiệu quả cao thì hãy tham khảo bài viết bên dưới nhé!

Thời vụ trồng khoai lang ở miền Bắc

Dưới đây lời giải đáp cho câu hỏi trồng khoai lang tháng mấy ở miền Bắc mà bà con nông dân có thể tham khảo:

Vụ khoai lang Đông Xuân

Diện tích trồng khoai lang đông xuân hiện nay ở nước ta chiếm tỷ trọng tương đối lớn so với tổng diện tích trồng khoai lang trong cả nước. Nói chung vụ Đông Xuân có thể trồng được ở tất cả các vùng trừ các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Diện tích trồng khoai lang đông xuân tập trung chủ yếu trên đất canh tác 1 lúa – 1 màu.

Thời vụ trồng tháng 11 – 12, thu hoạch tháng 4 – 5.

Vụ khoai lang Đông

Khoai lang vụ Đông chủ yếu được trồng ở vùng đồng bằng trung du Bắc bộ và Bắc khu 4 cũ. Với sự xuất hiện của những giống lúa ngắn ngày và sự hình thành vụ lúa xuân, cơ cấu mùa vụ gieo cấy lúa đã có những thay đổi. Diện tích gieo cấy hai vụ lúa trước đây (lúa chiêm và lúa mùa) đã chuyển đổi dần thành cơ cấu ba vụ trong năm: Lúa xuân – lúa mùa sớm – cây vụ Đông. Sự hình thành khoai lang vụ Đông cũng được xuất phát từ đó và được trồng chủ yếu trên diện tích tăng vụ vùng hai vụ lúa hoặc một vụ lúa – một màu, khoai lang đông được trồng tháng 9, thu hoạch cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm sau. 

Vụ khoai lang Xuân

Thời vụ khoai lang xuân có thể trồng được trên nhiều loại đất đai khác nhau ở tất cả các tỉnh miền Bắc và miền Nam chủ yếu trên diện tích đất 2 màu – 1 lúa.

Thời vụ trồng tháng 2 – 3, thu hoạch tháng 6 – 7.

Vụ khoai lang Hè Thu

Được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Ở các tỉnh miền Bắc chỉ trồng được ở những nơi nào có đất cao thoát nước như các tỉnh vùng trung du miền núi. Vùng đồng bằng vụ Hè Thu nằm vào mùa mưa bão nên thường không trồng được khoai lang.

Vụ khoai lang Hè Thu được trồng tháng 5 – 6, thu hoạch tháng 8 – 9.

Xem thêm: thời vụ trồng hành củ ở miền bắc

Khí hậu Việt Nam rất thuận lợi cho cây khoai lang sinh trưởng phát triển, do đó có thể trồng quanh năm.

Các căn cứ để xác định thời vụ trồng khoai lang

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ cao, mưa nhiều, lượng mưa phân bố tương đối đều nên rất thuận lợi cho cây khoai lang sinh trưởng phát triển. Do đó có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên cũng cần lưu ý tới những đặc điểm riêng của từng vùng khí hậu khác nhau để bố trí thời vụ cho thích hợp. Bởi vậy để sắp xếp thời vụ trồng hợp lý cũng cần phải dựa vào những yếu tố sau đây:

  • Điều kiện ngoại cảnh cụ thể (chủ yếu là nhiệt độ và lượng mưa) có liên quan đến các thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây khoai lang.
  • Đặc điểm của giống: Các giống trung bình và dài ngày thường được sắp xếp trồng vào vụ Đông Xuân và vụ Xuân. Các giống ngắn ngày thường được trồng vào vụ Đông và vụ Hè Thu. Dựa vào đặc tính chịu rét hay chịu nóng của giống để phân bố vào thời vụ thích hợp.
  • Điều kiện đất đai và chế độ luân canh cây trồng: Đất ngoài bãi tránh thời kỳ ngập nước, chế độ luân canh 2 vụ hay 3 vụ mà chọn vụ trồng cho thích hợp. Luân canh 2 vụ thì trồng vụ Đông Xuân; luân canh 3 vụ thì trồng khoai lang vụ Đông,…
  • Mức độ đầu tư thâm canh và yêu cầu kinh tế cụ thể của từng địa phương.

Kỹ thuật trồng khoai lang đạt hiệu quả kinh tế cao

Làm đất

Đất thích hợp cho cây khoai lang là đất cát pha, đất thịt nhẹ, với khoai đất mới thì năng suất càng cao “khoai đất lạ, mạ đất quen”. Đất cần được cày bừa kĩ, lên luống rộng 1,2m, cao 30 – 40cm.

Cách trồng

Trồng nông nối liền nhau theo chiều dọc luống hay mỗi mét dài trồng 4-5 hom với khoảng cách trồng 18-22cm, đặt hom thẳng dọc luống, lấp đất sâu 5-6cm, chừa đoạn hom khoảng 5-10cm vươn lên trên mặt đất. Mật độ khoảng 40.000-42.000 hom/ha.

Khi đặt dây cuộn hết các lá phía dưới lại quanh thân rồi vùi hết dưới đất, chỉ chừa phần ngọn 5-10cm vươn lên khỏi mặt đất sẽ hạn chế dây bị mất nhiều hơi nước và giúp dây nhanh bén rễ hồi xanh hơn, hầu hết các mắt mầm trên hom dây đều có khả năng ra củ. Sau trồng 3-5 ngày để đảm bảo có đủ độ ẩm cho khoai sinh trưởng, phát triển tốt ta nên tháo nước vào ngập luống sau đó tháo khô.

Xem thêm: thời vụ trồng lạc ở miền bắc

Phân bón

Lượng phân bón

Lượng phân bón 1 ha như sau:

Phân chuồng đã ủ huoai mục 8-10 tấn/ha, Ure: 90-130 kg, lân văn điển: 170-235kg, kali: 130-150kg.

Cách bón phân

Lót toàn bộ lượng phân chuồng và phân lân + 30% phân đạm + 20% phân kali. Lượng phân còn lại dùng để bón thúc kết hợp với vun xới.

  • Vun xới lần 1: Sau trồng 25-30 ngày kết hợp với bón thúc lần 1 với lượng phân: 50% phân đạm + 30% phân kali.
  • Vun xới lần 2: Tiến hành sau lần 1 từ 20-25 ngày, kết hợp với bón toàn bộ số phân còn lại.
Đất thích hợp cho cây khoai lang là đất cát pha, đất thịt nhẹ, với khoai đất mới thì năng suất càng cao.

Quy trình chăm sóc khoai lang

Trong 1 vụ khoai chỉ nên vun xới kết hợp bón thúc 2 lần, không nên cuốc xới nhiều và cuốc xới muộn làm ảnh hưởng đến sự hình thành củ và tích lũy tinh bột trong củ. Trong trồng khoai lang có 2 công đọan quan trọng cần thực hiện là bấm ngọn và nhấc dây.

  • Bấm ngọn khi dây đã dài khoảng 25cm (35-40 ngày sau trồng) để cho ra nhiều nhánh cấp 1 vừa để lấy nhiều đoạn giống đoạn 1 cung cấp cho sản xuất (giống đoạn 1 cho nhiều củ hơn giống đoạn 2), vừa giúp cho cây sinh trưởng thân lá nhanh trong thời gian đầu để tổng hợp được nhiều chất hữu nuôi củ tốt hơn.
  • Nhấc dây cho đứt bớt rễ phụ tập trung dinh dưỡng nuôi củ lớn, thường công đoạn này thì khi dây bò ở rãnh nhiều hoặc sau các lần bón thúc dây sinh trưởng mạnh bò lan và ra rễ phụ nhiều thì ta nhấc dây để hạn chế rễ phụ và giúp cho dinh dưỡng tập trung ở rễ củ chính.

Xem thêm: thời vụ trồng dưa chuột miền bắc

Tưới nước

Thường xuyên giữ ẩm cho các luống khoai đảm bảo độ ẩm luống đạt 70-80% (lấy đất ở nơi rễ cây tập trung nhiều, nắm trong tay thấy mát, không có nước rỉ ra kẽ tay hay đất tơi ra khi buông nắm tay là được). Không được để nước liên tục ở rãnh, vì độ ẩm quá lớn, cây khoai sẽ tập trung ra rễ mà không phát triển nhiều tia củ. Vào mùa khô, nên cho nước vào ngập 1/3-1/2 chiều cao luống để tưới cho khoai lang, thường tưới 2 lần lần 1: 40-45 ngày sau khi trồng và lần 2: 80-90 ngay sau khi trồng.

Phòng trừ sâu (bọ hà), chuột

Cây khoai lang thường bị bọ hà gây hại và chuột cắn phá nhiều ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất. Vì vậy, cần có biện pháp phòng trừ tốt 2 đối tượng này bằng cách theo dõi khi thấy có chuột đào luống củ thì đặt bẫy diệt chuột.

Bọ hà khoai lang khoét củ khoai tạo thành những đường ngầm, gây độc tố cho củ khoai, củ bị hà gây hại thường bị mất màu và có mùi hôi, đắng. Để phòng trừ cần lên luống cao, vun kỹ không để củ lộ ra nhằm hạn chế bọ hà đẻ trứng vào củ. Không trồng liên tục 2 vụ khoai mà nên luân canh với vụ lúa nước hoặc rau màu khác; tồn trữ củ sớm, cẩn thận và vệ sinh kho chứa; khử trùng kho vựa, củ giống với thuốc sát trùng.

Khi làm đất dùng thuốc Basudin hoặc faradan rãi khử trùng đất hoặc trước khi thu hoạch 20 ngày, cắt củ khoai thành nhiều mảnh rải trên mặt ruộng nhử bọ hà trưởng thành đến đẻ trứng rồi sáng hôm sau thu gom đem tiêu hủy. Kết hợp rải thuốc phòng trừ bọ hà vào giữa luống trước khi thu hoạch 15-20 ngày để diệt hết con trưởng thành, ngăn không cho chúng đẻ trứng gây hại vào củ.

Xem thêm: thời vụ trồng đậu cô ve ở miền bắc

Thu hoạch

Khi cây khoai lang có biểu hiện ngừng sinh trưởng (các lá phần gốc ngả màu vàng, bới kiểm tra thấy vỏ củ nhẵn, ít nhựa thì tiến hành thu hoạch. Thu hoạch vào những ngày khô ráo, hạn chế làm tổn thương xây xát, bong vỏ ảnh hưởng đến mẫu mã và làm giảm giá trị sản phẩm.

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến Thời vụ trồng khoai lang ở miền Bắc cũng như kỹ thuật trồng khoai đạt hiệu quả cao mà Caycanh365.com đã tổng hợp. Nếu bà con có thắc mắc gì cần được giải đáp, liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ sớm nhất nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *