Cây hoa sứ còn được gọi bằng các tên khác nhau như hoa hồng sa mạc, cây sứ Thái Lan. Loại cây này thường được trồng trước hiên, ban công, các công trình, khu vực công cộng, đặt ở văn phòng, khách sạn, nhà hàng và nhiều nơi sang trọng khácđể trang trí cho không gian thêm tươi đẹp, mát mẻ và nhằm mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Nếu bạn ưa thích cây hoa sứ và muốn trồng loại cây cảnh này trên sân thượng nhà mình nhưng chưa biết cách trồng và chăm sóc sao cho cây hoa sứ tươi tốt, sai hoa thì đừng quên đọc bài viết sau.
Đặc điểm cây hoa sứ
Đặc điểm hình thái
Cây hoa sứ thuộc thân cây bụi, thân thấp, chiều cao từ 1 – 2m. Thân tròn, mập, khẳng khiu, mọng nước, chứa mủ, phân nhiều cành; khá dẻo, dễ uốn, thường được trồng làm cây bonsai, tạo các dáng thế nghệ thuật khác nhau. Vỏ thân có màu trắng xám, có nhiều sẹo xung quanh thân đó là do lá rụng để lại.
Hoa sứ có số lượng lá ít, tập trung ở đầu cành và thường mọc sát nhau theo vòng tròn. Lá có màu xanh bóng, hình bầu dục, rộng ở giữa và hẹp ở cả hai đầu. Trên lá chứa các gân màu trắng nổi rõ trên mặt lá.
Hoa hình cái phễu, có 5 cánh dày và mập, kích thước to, thường mọc thành từng chùm ở đỉnh cành. Hoa nở quanh năm, có mùi thơm thoang thoảng rất ấn tượng nên được dùng để ướp trà cho hương vị rất đặc biệt.
Xem thêm: cách trồng tử đằng trên sân thượng
Đặc điểm sinh thái
Cây có thể sống ở nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Chịu hạn, chịu lạnh khá tốt, ưa ẩm, ưa sáng hoàn toàn nhưng chịu úng kém. Cây có thể trồng trong chậu hoặc trực tiếp xuống đất đều được. Là loại cây cảnh lâu năm, có tuổi thọ cao.
Cách trồng hoa sứ trên sân thượng
Chọn chậu trồng
Phần lớn hoa sứ được trồng trong chậu vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa dễ chăm sóc và di chuyển. Nên chọn những chậu trồng kích thước to, chiều sâu và chiều ngang trên 50cm, nhằm đảm bảo khi cây trưởng thành, có đủ không gian cho bộ rễ sinh trưởng. Bên cạnh đó, chậu phải có lỗ thoát nước để nước mưa hoặc nước tưới không ứ đọng làm rễ cây bị ngập úng, thối rữa.
Chuẩn bị đất trồng
Bạn có thể mua đất trồng hoatại các cửa hàng vật tư nông nghiệp. Hoặc chọn đất cát, đất thịt nhẹ, đất thịt với điều kiện tơi xốp, dễ thoát nước. Sau khi đã có đất, đổ đất vào gần đầy miệng chậu.
Thời vụ trồng hoa
Bất kể mùa vụ nào bạn cũng có thể trồng cây hoa sứ. Chỉ cần trồng và chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật cây sẽ phát triển tốt, cho nhiều hoa.
Xem thêm: trồng cây Huỳnh Đệ trên sân thượng
Cách nhân giống cây hoa sứ từ hạt
Hạt giống khi mua về, đem ngâm vào nước ấm ở nhiệt độ 40 độ C khoảng 1 giờ 30 phút; còn ngâm trong nước lạnh nên ngâm trong 4 giờ đồng hồ.
Sau thời gian ngâm, đem hạt gieo vào các bầu ươm với đất có hàm lượng dinh dưỡng cao (Mỗi bầu chỉ nên gieo 1 hạt) và tưới nước ngay.
Sau một thời gian, khi hạt giống đã nảy mầm và thành cây con cao khoảng 8 -10cm, lúc này nên bứng cây trồng vào chậu đất đã chuẩn bị sẵn.
Đổ đất trồng chậu, đào một hố chính giữa chậu trồng, xé bỏ vỏ bầu, đặt cây con vào hố, đổ thêm đất vào chậu, sao cho đất chỉ ngập một phần của rễ và sắp ngang bằng miệng chậu.
Khi trồng xong nên đặt tạm cây vào nơi có bóng mát, và tưới nước hàng ngày cho cây. Khi rễ cây đã bám vào đất, mới đặt trên sân thượng và chăm sóc bình thường như trồng trực tiếp dưới mặt đất.
Cách trồng cây hoa sứ bằng cành
Thời điểm: Mùa xuân hoặc đầu mùa hè là thời điểm thích hợp nhất cắt cành hoa sứ để giâm.
Chọn cành giâm và tiến hành cắt: Cành đã có từ 2 năm tuổi trở lên, vỏ đã chuyển màu xám trắng, mập mạp, khỏe mạnh, dài khoảng 30cm, đường kính từ 2 – 3cm trở lên. Khi đã chọn được cành giâm, dùng dao sắc đã khử trùng cắt ngang nhánh một cách dứt khoát. Sau đó, tỉa bỏ hết lá và hoa trên cành.
Xử lý cành giâm: Dùng màng bọc thực phẩm hoặc túi nilong, quấn đầu cắt của cành và buộc lại bằng dây chun, để cành vào chỗ râm mát trong khoảng 1 – 2 tuần.
Rồi đem nhúng đầu cắt của đoạn cành nay vào hóoc môn sinh trưởng, kích thích cành mọc rễ.
Tiến hành giâm cành: Cắm đoạn đầu cắt của cành vào chậu đất, với độ sâu từ 7 – 10cm, nén đất xung quanh sao cho cành không bị nghiêng ngả. Tưới nước cho cành giâm dạng phun sương hàng ngày và đặt chậu vào nơi mát mẻ, ánh nắng không trực tiếp chiếu vào. Xịt phân bón dạng lỏng cho cây 3 tuần/1 lần.
Lưu ý: Mỗi chậu chỉ nên ươm một cành giâm, bạn có thể ươm trực tiếp vào chậu đất đã chuẩn bị sẵn hoặc ươm vào chậu khác, khi cành ươm đã đâm rễ, có chồi non, phát triển ổn định thì bứng chuyển sang chậu trồng ban đầu.
Xem thêm: cách trồng cây hoa đậu biếc
Cách chăm sóc cây hoa sứ
Tưới nước
Hoa sứ thích ẩm nhưng lại sợ ngập úng, vì vậy, khi chăm sóc bạn cần lưu ý tưới nước với lượng vừa đủ cho cây. Nhất là trong những ngày khô hạn, giai đoạn cây đang phát triển và chuẩn bị ra hoa cần tưới mỗi ngày 2 lần tùy vào điều kiện thời tiết. Nên ngưng tưới nước khi trời mưa nhiều. Và những ngày râm mát bạn có thể 2 – 3 ngày tưới cho cây 1 lần.
Bón phân
Cây dưới 6 tháng tuổi hãy hòa loãng 10g phân NPK trong 10 lít nước tưới ẩm cho cây, mỗi lần tưới phân cách nhau khoảng 20 ngày. Kết hợp dùng phân bón lá Đầu trâu 005 phun 10 ngày/lần nhằm kích thích cây ra đâm chồi, mọc lá và rễ.
Cây hoa sứ từ 6 tháng tuổi đến một năm, đã bắt đầu phát triển ổn định. Mỗi cây định kỳ 1 tháng/lần bón 20g phân NPK 20 – 20 – 15 + TE.
Khi cây đã được 1 tuổi trở lên, định kỳ 1 tháng/lần bón thúc 30g phân NPK 16 -12 – 8 + TE cho cây.
Bên cạnh đó, nếu không có NPK bạn hoàn toàn có thể thay thế bằng phân vô cơ khác hoặc phân chuồng hoai mục.
Chú ý: Phân bón quá nhiều hoặc quá ít đều gây ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Do đó, khi bón phân bạn cần bón đúng liều lượng.
Xem thêm: cách trồng cây tầm xuân trên sân thượng
Phòng trừ sâu bệnh
Cây hoa sứ thường mắc các bệnh như sâu xanh, rầy bông, bọ sứ, rệp, nhện đỏ, bệnh thối nhũn, đốm vàng trên lá,…gây hại cho cây.
Vì thế, người chăm sóc cần nhận biết các loại bệnh lấy thuốc phun điều trị sớm.
Cây hoa sứ sẽ phát triển tốt khi được trồng trên sân thượng nếu bạn trồng và chăm sóc đúng cách. Để có được một cây hoa sứ bạn không mất quá nhiều thời gian mà lại có thêm chậu hoa xinh xắn, tươi tốt tô điểm cho sân thượng nhà mình.