Quýt đường và cách trồng quýt đường sinh trưởng tốt, năng suất cao

Quýt đường hay còn gọi được gọi là quýt ngọt, có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Quốc. Là loại trái cây tráng miệng có vị ngọt đặc trưng, thanh mát, giàu chất dinh dưỡng, phù hợp cho tất cả mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, loài quýt đường này còn là dược liệu quý, được ứng dụng nhiều trong y học. Đồng thời, mang lại nguồn kinh tế cao cho bà con nông dân trồng cây ăn quả.

Đặc điểm hình thái và sinh thái của quýt đường

Thân cây gỗ nhỏ, có gai, dáng thân đều, có chiều cao từ 2 – 3m, màu xám nhạt.

Lá có màu xanh, lá đơn mọc so le nhau, dài hình giáo mác.

Hoa có màu trắng, thường mọc ở mép lá và có kích thước nhỏ.

Quả hình tròn, vỏ mỏng, trơn láng và dễ bóc; bên ngoài màu xanh, bên trong màu vàng; thịt trái ngọt, mọng nước, ít hạt, có nhiều múi. Trọng lượng trái dao động từ 150g – 200g.

Loại cây ăn quả này có tốc độ sinh trưởng nhanh. Phù hợp với nhiều loại đất nhưng phát triển tốt nhất vẫn là được trồng ở đất tơi xốp, thoáng nước tốt. Quýt ngọt dễ trồng, ít phải tốn công chăm sóc mà lại cho năng suất cao.

Quýt đường có mấy loại? Và cách nhận biết

Dựa vào số lượng hạt có trong quả mà người ta chia quýt đường thành quýt đường có hạt và quýt đường không hạt.

Nhìn chung hai loại này khá giống nhau từ đặc điểm hình thái, sinh thái cũng như giá trị dinh dưỡng có trong mỗi quả. Và đều được người tiêu dùng lựa chọn cho mỗi bữa ăn, làm quà tặng hay nhân giống nhằm mang lại thu nhập cao.

Công dụng của quýt đường

Chứa các thành phần khoáng chất, dinh dưỡng quan trọng, quýt ngọt có tác dụng hạn chế tăng cân, béo phì, tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống các bệnh về tim mạch, làm đẹp da, bảo vệ mái tóc chắc khỏe, giảm rụng, kích thích tóc mọc, ngăn ngừa bệnh tiểu đường, đột quỵ.

Tuy nhiên, để đạt được các lợi ích trên, chúng ta cần sử dụng quýt ngọt đúng cách, không nên quá lạm dụng trong mỗi lần ăn. Bởi ăn quá nhiều quýt trong một ngày sẽ gây ra những hiệu ứng ngược như đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, hỏng men răng, ợ nóng, viêm loét dạ dày,…

Giá bán quýt đường thường là bao nhiêu?

Giá bán quýt đường thường dao động từ 15.000đ – 50.000đ/kg. Tùy vào thời điểm và tùy vào mỗi năm mà giá quýt có thay đổi. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện trên thị trường tới nay, loại quýt này vẫn chiếm được ưu thế, sức tiêu thụ lớn và ít khi bị rớt giá.

Kỹ thuật trồng quýt đường đúng chuẩn

Thời điểm trồng quýt

Quýt đường có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm thích hợp nhất là nên trồng vào cuối mùa khô và đầu mua mưa, tức tháng 4 – 5 dương lịch hàng năm.

Chọn giống

Giống cây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và năng suất của cây sau này. Vì thế, khi chọn giống quýt đường nên lựa chọn cây con khỏe mạnh, mập mạp, không sâu bệnh.

Đất trồng

Chọn vùng đất cao, làm luống và hệ thống thoát nước tránh cho cây không bị ngập khi mưa lớn. Đất trồng nên chọn đất thịt pha, giàu dinh dưỡng.

Đào hố trồng quýt đường

Công việc này được tiến hành 20 – 25 ngày trước khi trồng. Hố được đào với kích thước 60 x 60 x 60cm và được bón lót 30 – 35kg phân chuồng hoai mục, 250 – 350g Supe lân, 200 – 250g Kali sunfat và 1kg vôi bột. Mỗi hố cách nhau khoảng 3 – 4m.

Tiến hành trồng

Trộn hỗn hợp phân bón, vôi với đất, rồi lấp đất đầy hố. Sau đó, đào một lỗ ở giữa với kích thước lớn hơn bầu ươm một chút.

Dùng dao sắc nhọn rạch lớp nilon bầu ươm, nhẹ nhàng đặt cây con vào giữa hố, lấp đất lại và dùng tay nén nhẹ xung quanh gốc. Và tưới nước ngay cho cây sau khi trồng.

Nếu trồng vào mùa khô, sau trồng nên phủ thêm một lớp lá khô, rơm rạ để giữ ẩm cho cây.

Hướng dẫn cách chăm sóc quýt đường

Cung cấp nước tưới

Quýt đường không ưa nhiều nước, do đó, tùy vào thời tiết mưa nhiều hay không mưa mà 2 – 3 ngày nên tưới nước đẫm 1 lần cho cây. Và cung cấp nước nhiều hơn vào giai đoạn cây đang ra đọt non, ra hoa và kết trái.

Bón phân

Đồng thời, bón phân đúng liều lượng và theo định kỳ cho quýt đường. Đối với cây 1 – 2 năm tuổi cứ 2 – 3 tháng lại bón đạm cho cây một lần và phân lân, kali bón một lần vào cuối mùa mưa.

Đối với cây đã 4 năm tuổi trở lên, mỗi năm nên bón 4 lần. Lần 1 khi cây ra hoa, lần 2 khi cây đậu trái được 6 – 8 tuần, lần 3 trước khi thu hoạch trái 1 – 2 tháng và lần 4 là sau khi thu hoạch toàn bộ quả.

Cách bón: Cuốc rãnh rộng xung quanh gốc cây 20cm, sâu 10cm, cho phân vào, lấp đất lại rồi tưới nước.

Cắt tỉa cành cho cây

Trong quá trình chăm sóc, người trồng cần chú ý cắt tỉa cành cho cây. Khi cây bắt đầu ra đọt non, nên tỉa bớt những đọt nhỏ, yếu, chỉ để lại 7 – 10 chồi to, khỏe. Và sau mỗi vụ thu hoạch cần cắt bỏ các cành già, sâu bệnh.

Phòng trừ sâu bệnh

Bên cạnh đó, ở quýt đường thường có các loại sâu bệnh hại như sâu nhớt, sâu vẽ bùa, nhện đỏ, nhện trắng, sâu đục cành, đục thân, đục gốc, rầy, rệp, bệnh thâm quả, thối nâu, muội đen, bệnh sẹo,… Vì thế, người trồng cần chú ý quan sát, nắm bắt các loại bệnh để lấy thuốc phun phòng, trị kịp thời.

Địa chỉ mua cây giống quýt đường

Với những lợi ích quýt đường mang lại, nhiều người muốn trồng nhưng lại không biết mua cây giống ở đâu?. Dưới đây là một vài gợi ý.

Để mua được giống chất lượng, được tư vấn kỹ lưỡng về cách trồng và chăm sóc cây. Bạn nên tìm đến các trang trại cây giống nông nghiệp, lương thực; Viện cây trồng ở tỉnh, thành nơi mình sinh sống hoặc các cửa hàng, đơn vị bán giống cây trồng.

Quýt đường có “sức đề kháng” cao, ít sâu bệnh hại và mang lại năng suất tốt. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn, chúng ta cần tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng, cách chăm sóc quýt đường như nội dung bài viết được caycanh365.com đề cập trên đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *