Sake là loại quả quen thuộc đối với bà con miền Nam Việt Nam. Với hương vị đặc biệt, giàu khoáng chất và hàm lượng dinh dưỡng cao Sake có nhiều công dụng hữu ích và là loại cây ăn quả đem lại thu nhập cao cho người trồng.
Đặc điểm cây và trái Sake
Đặc điểm thực vật học
Sake là cây thân gỗ, đơn tính cùng gốc, có nhựa mủ màu trắng sữa và có chiều cao từ 15 – 20m, phân nhiều nhánh, tán cây rộng; trồng để vừa ăn quả vừa lấy bóng mát. Lá to bản như lá mít, chia thành 3 – 9 thùy, có màu xanh, gân lá nổi to, kích thước dài, cuống lá mập.
Đặc biệt, hoa đực và hoa cái mọc trên cùng một cây, mùa hoa đến, cây sẽ kết hoa đực trước sau đó mới đến hoa cái, hoa mọc thành cụm, có màu vàng.
Quả có vỏ màu xanh, da sần và có nhiều gai mềm, hình quả trứng, thịt quả màu trắng và không có hạt.

Đặc điểm sinh thái
Cây Sake ưa sáng, ưa độ ẩm trung bình, có khả năng chịu nắng, chịu hạn cao, không ưa lạnh và phù hợp phát triển trong nhiệt độ từ 19 – 30 độ C. Cây có sức đề kháng cao, ít sâu bệnh hại, thích nghi với nhiều loại đất.
Công dụng của Sake
Cây sake cao, tán rộng, có hình thù đẹp mắt, vì thế, bên cạnh trồng để ăn quả thì chúng còn được trồng làm cảnh, lấy bóng mát.
Bên cạnh đó, với các chất quan trọng có trong lá, rễ, nhựa Sake, loại cây ăn quả này còn có tác dụng phòng và trị bệnh tiểu đường, điều trị các bệnh về da, chống nhiễm trùng, ngăn chặn quá trình viêm da, kích thích các tế bào mới phát triển, sản sinh collagen, tốt cho hệ tiêu hóa, tốt cho tim mạch, nuôi dưỡng tóc, trị ho,…
Thêm nữa, quả Sake còn là thực phẩm có thể chế biến nhiều món ăn độc đáo, thơm ngon, hấp dẫn mang đậm vị miền Nam.
Ngoài ra, cây sake còn là cây mang lại giá trị kinh tế cao về nguồn quả, giá sake bán lẻ dao động từ 80 – 120.000đ/ 1kg. Và có thể trồng để lấy gỗ làm đồ nội thất khá bền, đẹp.
Xem thêm: Cách trồng dưa lê tại nhà
Cách chế biến các món ăn ngon với quả Sake
Quả Sake có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, dưới đây chúng tôi sẽ đề cập tới một số món ăn đơn giản, dễ làm với trái Sake.
Canh Sake với sườn non
Chuẩn bị nguyên liệu: Sake 1 quả 600g, 500g sườn non, gia vị nấu: muối, hạt tiêu, đường, hành khô, hành lá, rau mùi.
Tiến hành sơ chế: Sườn non chặt nhỏ, chần qua nước sôi, rồi rửa lại bằng nước lã thật sạch. Sake gọt sạch vỏ, bỏ lõi bên trong, rửa sạch và cắt thành miếng vừa ăn. Sau đó, ngâm trong chậu nước có muối pha loãng để sake giữ được màu trắng không bị thâm đen. Đồng thời, rửa sạch hành lá, rau mùi và thái nhỏ. Hành khô được bóc vỏ, rửa sạch, đập dập và băm nhuyễn.
Chế biến: Khi dầu ăn trong chảo được đun nóng, ta cho hành củ vào phi thơm, rồi cho sườn vào đảo đều khoảng 3 phút. Tiếp theo cho sake và lượng vừa đủ muối, mắm vào, rồi đảo đều và đậy kín nắp vung trong khoảng 4 phút. Sau đó, cho khoảng 3 bát con nước lã sạch vào nồi, vặn lửa nhỏ giữ trong vòng 30 phút cho sườn và sake chín đều. Sau 30 phút, bỏ hành lá và rau mùi vào nồi, đun khoảng 1 phút là có thể bắc nồi xuống. Cuối cùng, rắc thêm ít hạt tiêu là có thể thưởng thức món ăn.

Chè Sake lá dứa
Nguyên liệu: 1 trái Sake, lá dứa 100g, 50g bột năng, 1 lon nước cốt dừa, đường trắng 300g, nửa thìa cà phê muối ăn.
Cách làm: Trước tiên, gọt vỏ sake, rồi bổ quả làm tư, tách bỏ phần lõi trong cùng. Cắt Sake thành những miếng nhỏ vừa ăn, bỏ vào chậu nước muối loãng ngâm từ 3 – 5 phút.
Bước hai, rửa sạch lá dứa, cắt thành khúc nhỏ, rồi cho vào máy say sinh tố cùng 100ml nước lọc xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt.
Bước ba, cho bột năng vào bát nước lạnh hòa tan. Đun nước cốt lá dứa với 3 thìa đường, 1 thìa muối, để sôi trong vòng 10 phút thì cho sake đã sơ chế vào ninh khoảng 20 phút, quan sát thấy sake chín mềm thì đổ bát nước bột năng vào và lấy đũa khuấy đều tay để bột năng không bị vón cục. Khi nồi chè đặc, có màu vàng trong thì bỏ đường và tiếp tục khuấy cho ngấm. Khoảng 2 phút sau là có thể bắc nồi chè ra. Lúc này, hãy cho mỗi bát chè một chút nước cốt dừa. Như vậy, ta đã có một bát chè sake lá dứa thơm ngon, béo ngậy rồi đấy.
Bên cạnh những món ăn trên, ta còn có thể làm gỏi sake tôm thịt, sake tẩm bột chiên giòn, Salad sake, canh sake nấu tôm, bánh sake nhúng mè,…
Bà bầu có ăn được trái Sake không?
Trong quả sake có chứa tinh bột, chất xơ, chất béo, protein, choline, Vitamin nhóm B, Vitamin C, Vitamin E, Vitamin K,…đây là các chất dinh dưỡng và khoáng chất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của thai nhi, bổ sung năng lượng cho mẹ. Chính vì thế, cung cấp sake vào bữa ăn sẽ giúp mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh.
Xem thêm: trồng ổi Đài Loan cho năng suất cao
Cách trồng cây sake đúng quy trình, kỹ thuật
Lựa chọn vị trí trồng cây
Nên chọn những nơi có lượng ánh sáng tốt nhất, thoáng và không bị che khuất bởi các loại cây khác.
Chú ý đất trồng
Mặc dù thích nghi với nhiều loại đất nhưng để cây sinh trưởng tốt nhất, cho năng suất cao cần lựa chọn đất tơi, xốp, vùng đất cao, không bị trũng và ngập nước.
Cách trồng
Đào các hố có kích thước 65 x 65 x 65cm, bổ sung bón lót dưới hố các loại phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục đã qua xử lý và rắc thêm vôi nhằm khử các mầm bệnh gây hại. Phơi ải từ 25 – 30 ngày trước khi trồng cây.
Tách bỏ vỏ bầu và các nilong xung quanh bầu cây. Sau đó, đặt cây xuống hố theo phương thẳng đứng. Tiến hành lấp đất xung quanh gốc theo trình tự đất mùn, mịn phía dưới, đất thô bên trên và nén chặt đất để cây không bị ngả nghiêng. Để giữ ẩm cho cây nên đặt một lớp mỏng rơm rạ xung quanh gốc cây mới và tưới nước ngay sau khi trồng xong. Những ngày sau trồng, vẫn duy trì lượng nước tưới phù hợp cho cây con.

Cách chăm sóc cây sake đúng chuẩn cho gỗ to, nhiều quả
Chế độ nước tưới ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của cây. Do đó, người trồng cần lưu ý nên có lượng nước tưới phù hợp, tưới ít nhưng thấm và đẫm. Tùy vào điều kiện thời tiết và giai đoạn sinh trưởng mà mỗi ngày nên duy trì tưới cho sake từ 1 – 2 lần.
Bên cạnh nước thì bón phân đúng lượng, đúng thời điểm cũng sẽ giúp cây khỏe mạnh, cho sai quả, phân nhánh nhiều. Tùy vào chi phí và sở thích của người trồng có thể lựa chọn phân hữu cơ hoặc NPK cho cây. Nên bón phân định kỳ mỗi năm 1 – 2 lần vào giai đoạn cây đang chuẩn bị ra hoa, kết quả và sau mỗi lần thu hái quả.
Quá trình chăm sóc, người trồng cũng cần thực hiện cắt tỉa lá sâu, lá vàng, cành khô héo hay những cành nhỏ để tạo sự thông thoáng, giúp cây nhận được lượng ánh sáng nhiều hơn. Đồng thời, cho thân cao, tán rộng.
Xem thêm: trồng và chăm sóc cây na Thái
Còn về phòng trừ sâu bệnh hại, cây sake khỏe mạnh, ít sâu bệnh hại. Tuy nhiên, người trồng không nên chủ quan, hãy chú ý quan sát để phát hiện các loại bệnh cây mắc phải nhằm đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Cây sake mang nhiều lợi ích cho người trồng cả về kinh tế, y học, thực phẩm, đồ gỗ, trang trí, lấy bóng mát. Vì thế, cây sake lương thực này đang ngày càng được ưa trồng ở nhiều nơi trên thế giới và cả trong nước.